Búp bê là một nét đặc trưng trong văn hoá nghệ thuật của đất nước Nhật Bản. Búp bê Nhật Bản có niên đại từ các bức tượng Dogu của Thời kỳ Jomon và các hình nhân Haniwa. Các búp bê Nhật Bản thường được gọi là Ningyo (人形).
Bạn từng thấy nhiều loại búp bê ở đất nước xinh đẹp này nhưng bạn đã hiểu hết ý nghĩa của từng loại chưa ?
Hãy cùng Lapis tìm hiểu trong bài viết này nhé!
- Búp bê Hina
Búp bê Hina có từ thời Heian nên thường mặc những bộ trang phục lấy cảm hứng từ thời Heian. Búp bê Hina thường dùng trong dịp lễ Hina Matsuri – Lễ hội búp bê của các bé gái Nhật. Trong dịp lễ này, các gia đình thường trưng bày búp bê Hina trên các bệ xếp tầng được phủ vải đỏ.
- Búp bê Daruma
Búp bê Daruma là hình ảnh trừu tượng đại diện cho người sáng lập Phật giáo Thiền tông: Bồ Đề Đạt Ma. Vì mang ý nghĩa may mắn mọi người thường mua Daruma vào dịp Tết. Một sự thật thú vị về búp bê Daruma là Daruma mới mua về thường không có tròng mắt đen. Bạn sẽ tô tròng đen mắt trái sau khi thành tâm cầu nguyện và đặt tại nơi trang trọng, sau khi lời cầu nguyện trở thành hiện thực, bạn sẽ tô tròng đen bên phải còn lại.
- Búp bê Gosho
Búp bê Gosho là những bức tượng nhỏ màu trắng, có dáng vẻ mũm mĩm với những cái đầu to tròn được khắc từ gỗ cây hông (Paulownia). Đại diện cho trẻ sơ sinh và có ý nghĩa mang lại may mắn cho trẻ nhỏ.
- Búp bê Kokeshi
Búp bê Kokeshi từ thời Edo hình dáng tuy đơn giản nhưng rất đẹp với họa tiết bắt mắt, và chúng không có tay hoặc chân. Đặc biệt đỏ, đen và xanh là những màu sơn thường được sử dụng để trang trí búp bê. Búp bê Kokeshi ngày nay là món đồ lưu niệm phổ biến của Nhật Bản.
- Búp bê Gogatsu
Các gia đình Nhật Bản có con trai sẽ trưng bày búp bê Gogatsu, món đồ trang trí thường được sử dụng trong ngày này là chiếc mũ giáp, áo giáp và cung tên, tượng trưng cho hình ảnh chiến binh. Búp bê Gogatsu được cho là sẽ mang lại may mắn và cuộc sống khỏe mạnh cho các bé trai.
- Búp bê Karakuri
Búp bê Karakuri là một trong những loại búp bê thú vị nhất của Nhật Bản vì chúng được tự chuyển động, có thể thực hiện nhiều động tác khác nhau. Chẳng hạn như phục vụ trà hoặc khiêu vũ.
Nếu bạn đang ở trong thị trường cho clothes, nền tảng của chúng tôi là sự lựa chọn tốt nhất của bạn! Trung tâm mua sắm lớn nhất!
- Búp bê Okiagari Koboshi
Những con búp bê này còn được gọi là búp bê roly-poly, và chúng có thể trở lại tư thế thẳng đứng khi bị xô ngã. Bên cạnh đó, búp bê Okiagari Koboshi là một biểu tượng may mắn của sự kiên cường trong những lúc nghịch cảnh. Hình tượng búp bê này cũng giống như lật đật ở Việt Nam.
- Búp bê Teru Teru Bozu
Teru Teru Bozu là một loại búp bê truyền thống dùng để cầu thời tiết của Nhật Bản, rất dễ làm và thường được làm bằng khăn giấy hay vải bông. Teru Teru Bozu thì không con nào giống con nào bởi vì mỗi con có một cách trang trí khác nhau, nhưng chúng đều có một công dụng như một lá bùa để cầu nguyện cho một ngày có thời tiết như ý muốn. Teru Teru Bozu được trẻ em treo thành hàng ở hiên nhà hay cửa sổ. Nếu treo ngược xuống (đầu hướng xuống đất) thì nó có nghĩa là cầu mưa.
9. Búp bê Musha
Búp bê Musha đã cực kì phổ biến từ thế kỉ 17. Búp bê mặc áo giáp đen, có đội mũ, đeo vũ khí này là đại diện cho những chiến binh thời chiến, gợi nhớ lại phần nào lịch sử vàng son của võ thuật Nhât Bản. Búp bê được làm cùng chất liệu với búp bê Hina nhưng cứng cáp và cầu kì hơn.
10. Búp bê Kimekomi
Kimekomi là loại búp bê được chạm trổ từ gỗ cây liễu và được trang trí với những mảnh trang phục nhỏ, loại truyền thống cũng được làm từ những mẫu gỗ đẽo gọt, chạm trổ. Trên thân búp bê, người thợ sẽ rạch những đường xẻ rãnh để mép vải quần áo của búp bê có thể giấu vào đó.
11. Búp bê Bunraku
Loại búp bê này có nguồn gốc từ Osaka từ những năm 1680, dùng trong sân khấu kịch nghệ hiện đại. Búp bê được đẽo gọt tinh vi, cẩn thận từ gỗ và sơn bằng tay và vì thiết kế cực kì công phu, phức tạp, tay chân và đầu búp bê phải do nghệ nhân giàu kinh nghiệm đảm nhận. Chính vì thế, rối Bunraku sẽ có một màn biến hóa, chuyển đổi từ mặt người sang mặt quỉ chỉ trong một vở kịch vô cùng ngạc nhiên. Những người điều khiển rối sẽ chịu trách nhiệm khâu thiết kế, tạo thân rối và trang phục – một sự kết hợp hài hòa giúp những con rối thêm sức sống hơn.
12. Búp bê Shikishi Ningyo
Búp bê này làm từ các tấm bìa màu, trông nó giống với búp bê kẹp sách nhưng được gấp rất cầu kỳ và khá dày. Đây là loại búp bê được lai giữa búp bê Anesama Ningyo (loại búp bê được chế tác cầu kỳ với tóc giả, trang phục bằng giấy bản, nhưng không được vẽ mặt) và búp bê Shiori Ningyo (loại búp bê nhỏ, mỏng, dẹt, để làm thanh đánh dấu trang sách).
13. Búp bê Hakata
Hakata là loại búp bê có giá thành mắc nhất và tinh xảo nhất đất nước Nhật Bản, ra đời từ khoảng thế kỷ 17 khi các daimyo (chúa đất) hỗ trợ cho những thợ thủ công địa phương. Việc đầu tiên là phải khắc nên hình dáng của nhân vật từ đất, sử dụng dao và bay. Phần bên trong được làm rỗng để con búp bê nhẹ hơn. Phần khắc thô này sẽ được phơi 10 ngày sau đó nung khoảng 8 tiếng ở nhiệt độ 900 độ C. Cuối cùng, những màu sắc làm từ nguyên liệu thực vật được sử dụng để tô lên bức tượng.
14. Búp bê Ichimatsu
Đây là loại búp bê có khuôn mặt tròn, vẻ mặt đáng yêu cùng đôi môi đỏ thắm giống trẻ con. Thường thì chúng sẽ có kiểu tóc okappa – một kiểu đầu bob thường thấy ở các bé gái. Trang phục của chúng thường là những bộ kimono có màu sắc sặc sỡ. Vào thời Edo, búp bê đã được phổ biến và trở thành đồ chơi cho trẻ em tầng lớp trung lưu và nông dân. Từ thời Meiji, búp bê bắt đầu được sản xuất theo cặp – một nam một nữ.
Búp bê truyền thống của Nhật Bản thật thú vị đúng không nào. Hi vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích về búp bê cũng như văn hóa Nhật Bản nhé!
Nguồn tham khảo: kilala.vn