HANACHOUZU (花手水) – HOA NỞ TRÊN NƯỚC, NGHỆ THUẬT TÁI SINH

Đánh giá bài viết

Những bông hoa nở rộ trên làn nước thanh tẩy tại các ngôi đền ở Nhật Bản sẽ khiến bất kỳ du khách nào đều phải nán lại thưởng thức vẻ đẹp có 1 – 0 – 2 này.

Nghi lễ Misogi truyền thống ở Nhật

Ở Nhật Bản, có một nghi thức nhất định bạn phải trải qua nếu đến viếng thăm các ngôi đền thần hoặc chùa chiền tại đất nước này, đó là rửa tay hoặc súc miệng tại một bồn rửa tay được đặt gần lối vào thần điện. Đây là một nghi thức truyền thống của người Nhật có tên gọi là Misogi (禊ぎ), người dân “xứ anh đào” cho rằng cần phải thanh lọc cơ thể khỏi những bụi bẩn và ô uế trần tục mới có thể diện kiến thần linh và giúp cho lời cầu nguyện thêm linh nghiệm.

Trước kia, người ta phải thực hiện nghi thức Misogi ở những con sông hay nguồn nước gần các đền thờ. Nhưng ngày nay, nghi thức này được đơn giản hóa bằng việc rửa tay và miệng ở khu vực Temizuya.

Bồn rửa tay Temizuya

Temizuya được xây dựng theo kiểu nhà cột gỗ, trống 4 mặt. Ở đây, người ta sẽ lắp đặt một bồn nước và đặt sẵn gáo để người đến viếng có thể múc nước. Chỗ nước chảy ra thường là từ miệng của tượng hình các con vật, tùy vào đền thờ mà họ sẽ chọn động vật biểu tượng khác nhau. Hầu hết các đền thờ đều lấy biểu tượng là rồng, vì từ xưa đến nay rồng được biết đến là một sinh vật đại diện cho thần linh, đảm nhận những công việc liên quan đến nước như tạo mây, làm mưa… Họ nghĩ rằng khi sử dụng nước từ miệng rồng để rửa tay thì sẽ được thần Rồng phù hộ.

Thế nhưng gần đây, do dịch bệnh ảnh hưởng mà những bồn nước Temizuya đã được một số nhà chùa thổi vào làn gió mới khiến chúng trở nên nghệ thuật, xinh đẹp và linh thiêng hơn bao giờ hết.

Hanachouzu (花手水) – hoa nở trên nước, nghệ thuật tái sinh

Xu hướng hoa nở trên nước

Khi hầu hết các địa điểm linh thiêng đã phải tạm dừng hình thức rửa tay nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Các đền, chùa trên toàn đất nước Nhật Bản đã tận dụng những bồn nước này để trang trí các loài hoa nổi trên mặt nước nhằm an ủi trái tim khách thập phương tạo nên thuật ngữ Hanachouzu. Hana là “hoa” và Chouzu là “nước để rửa tay”.

Hanachouzu được các vị sư chùa Yokoku dùng hoa cẩm tú cầu để trang trí

Chùa Yanagidani Kannon (chùa Yokoku) ở Kyoto là địa điểm đầu tiên đã triển khai kiểu trang trí bồn nước độc đáo bằng hoa cẩm tú cầu. Đây cũng là loài hoa đặc trưng tại chùa Yokoku, vào tháng 6 hằng năm hơn 4.500 cây hoa cẩm tú cầu sẽ khoe sắc bao quanh chùa khiến nơi đây trở thành điểm du lịch vô cùng lý tưởng. Việc sử dụng hoa để trang trí bồn Temizuya còn mang ý nghĩa tái sinh cho những bông hoa vốn được dùng trong các dịp lễ tại Nhật mà do dịch nên phải hủy bỏ.

Khi lý tưởng trở thành nghệ thuật

Ban đầu, thuật ngữ Hanachouzu được dùng để chỉ việc rửa tay bằng cách chà xát tay với hoa hoặc lá thay vì dùng nước trong các lễ hội đền thần ngoài trời không có nước để rửa tay. Sau này, Hanachouzu trở thành từ để chỉ phong cách bồn rửa tay “nở hoa” ở chùa Yokoku vì tính chất nghệ thuật và ẩn ý đằng sau nó. Vẻ đẹp đầy sức sống này đã trở thành đề tài hấp dẫn trên mạng xã hội và phổ biến khắp cả nước. Có thể kể đến một số nơi như: đền Dazaifu Tenmangu, chùa Toufuku, đền Kitano-tenmangu… 

Tùy theo mùa mà việc lựa chọn loại hoa cho Hanachouzu sẽ vô cùng phong phú. Những bồn Hanachouzu hòa quyện màu sắc không chỉ giúp tâm hồn thanh tịnh hơn, mà còn tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp cho những ai muốn lưu giữ kỷ niệm khi đặt chân đến nơi đây.

NHẬT NGỮ LAPIS

16 Lê Văn Duyệt, P1, Q.Bình Thạnh, TPHCM

(028) 35.178.680 – 35.178.681

091.661.8428

info@lapisschool.com